Chi tiêu công cộng

Public Expenditure


Chi tiêu công cộng là tổng hợp các khoản chi của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và của toàn dân khi cùng trang trải kinh phí cho các hoạt động do Chính phủ quản lý


GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ

Chi tiêu công phản ánh những lựa chọn chính sách của Chính phủ. Mỗi khi Chính phủ quyết định cung cấp những loại hàng hóa và dịch vụ nào với khối lượng và chất lượng ra sao thì chi tiêu công cộng đều phản ánh chi phí để thực hiện các quyết định đó. Tuy nhiên, hiển thị chi phí để thực hiện các quyết định cung cấp hàng háo và dịch vụ của Chính phủ thế nào vẫn còn là câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Chính vì thế, nó cũng đã làm nảy sinh hai cách hiểu khác nhau về chi tiêu công cộng.

Thứ nhất, có những chi phí trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thông qua ngân sách công cộng, tức là khối lượng tiền mà Chính phủ chi ra từ ngân sách để đáp ứng các khoản chi tiêu này. Chẳng hạn, việc Chính phủ trích ngân sahcs để cho giáo dục, quốc phòng… thuộc loại chi tiêu này. Cách hiểu này có thể gọi là chi tiêu công cộng theo nghĩa hẹp, hay còn gọi là chi tiêu của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiểu chi tiêu công cộng như vậy xem chừng chưa thỏa đáng. Lý do là hấu hết các quyết định, quy tắc hay chính sách của Chính phủ đưa ra đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến chi tiêu của khu vực tư nhân, và do đó sẽ ảnh hưởng sự phân bổ nguồn lực chung của nền kinh tế. Ví dụ, khi Chính phủ thông qua một đạo luật bắt buộc các doanh nghiệp phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ môi trường thì quyết định đó sẽ buộc khu vực tư nhân phải bỏ một chi phí đáng kể để chấp hành quy định của Chính phủ. Hoặc khi Chính phủ ấn định lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước thì thực chất đây là một hình thức trợ cấp ngầm cho các doanh nghiệp này, những khoản trợ cấp đó lại không phản ánh trực tiếp qua ngân sách. Nhiều nhà kinh tế cho răng, phải tính toán cả những chi phí này thì mới phản ánh hết tác động của một quyết định công cộng đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tính toán chi tiêu công cộng như vậy còn gọi là chi tiêu công cộng theo nghĩa rộng. Vậy theo nghĩa khái quát nhất, Chi tiêu công cộng là tổng hợp các khoản chi của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và của toàn dân khi cùng trang trải kinh phí cho các hoạt động do Chính phủ quản lý.

Rõ ràng, khái niệm chi tiêu công cộng theo nghĩa rộng sẽ phản ánh đầy đủ hơn "chi phí xã hội của các hoạt động của Chính phủ". Nhưng do những khó khăn rất lớn trong việc ước tính chi phí đó nên trong hầy hết các cuộc thảo luận về chi tiêu công cộng, người ta thường đề cập đến chi tiêu theo nghĩa hẹp.


PHÂN LOẠI

Để phục vụ cho mục đích phân tích kinh tế, một cách phân loại chi tiêu công cộng phổ biến nhất là xét xem các khoản chi tiêu đó có thực sự đòi hỏi tiêu hao nguồn lực của nền kinh tế quốc dân hay không. Theo cách nhìn nhận này, chi tiêu công cộng được chia làm chi tiêu hoàn toàn mang tính chất công cộng (hay còn gọi là chi mua sắm hàng hóa dịch vụ) và chi chuyển nhượng

Chi tiêu hoàn toàn mang tính chất công cộng là những khoản chi tiêu đòi hỏi các nguồn lực của nền kinh tế. Việc khu vực công cộng sử dụng những nguồn lực này sẽ loại bỏ việc sử dụng chúng vào các khu vực khác. vì thế, chi phí cơ hội của những khoản chi tiêu công cộng này là sản lượng phải loại bỏ ở các khu vực khác. Trong kinh tế vĩ mô, khoản chi này thường được xem là gây là hiệu ứng làm "thoái giảm" đầu tư tư nhân. Vì thế, với một tổng nguồn lực có hạn của nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cân nhắc nên chi tiêu chúng vào đâu sẽ có hiệu quả nhất.

Chi chuyển giao hay chi có tính chất phân phối lại, ví dụ như chi lương hưu, trợ cấp, phúc lợi xã hội…Những khoản chi tiêu này không thể hiện yêu cầu của khu vực công cộng với các nguồn lực thực của xã hội vì chúng chỉ đơn thuần là sự chuyển giao từ người này sang người khác thông qua khâu trung gian là khu vực công cộng. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là chi chuyển giao không gây ra tổn thất gì cho xã hội, các chương trình phân phối lại đều gây ra những méo mó trong sự phân bổ nguồn lực, do đó dẫn đến sự phi hiệu quả.


VAI TRÒ CỦA CHI TIÊU CÔNG CỘNG

  • Phân bổ nguồn lực. Các khoản chi phí để chính phủ thực hiện các chính sách nhằm điều tiết thị trường và khắc phục các khuyết tật của nó.
  • Phân phối lại thu nhập.
  • Ổn định hóa nền kinh tế


XEM THÊM

Unless otherwise stated, the content of this page is licensed under Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License