học "yêu" sếp

Với những người làm công việc văn phòng, thời gian họ gặp sếp còn nhiều hơn gặp những người thân trong gia đình, từ đó mà mối quan hệ này đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của tất cả những ai đi làm công sở. Mối quan hệ giữa sếp nam và nhân viên nữ còn đặc biệt hơn. Nếu khéo giao tiếp, các bạn nữ sẽ có được một người sếp hỗ trợ mình trong công việc mà không bị điều tiếng gì. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tập cách "chung sống hoà bình" với sếp hay không để mối quan hệ này lấn sang tình cảm cá nhân.

Lợi thế của những người được "sếp" cưng

Những người được sếp "cưng" chỉ có một bất lợi duy nhất là bị những người xung quanh ganh tị nhưng lại được biết bao nhiêu là điều lợi. Thu Thuỷ mới vào công ty X. chưa được một năm nhưng do năng động và được sếp tạo điều kiện phát huy sức làm việc tối đa, cô đã được đề bạt lên chức trưởng phòng chất lượng, thay cho ông lên đảm nhiệm vị trí mới. Dù đồng nghiệp có xuýt xoa "Con bé may mắn quá" nhưng không ai có thể phủ nhận cô đã làm việc rất hiệu quả. Bản thân Thu Thuỷ thú nhận: "Nhờ sếp tạo điều kiện chứ nếu nhân viên gỏi mà có sếp "cố tình làm lơ" cũng khó thành công!". Thế mà trước kia ông đó bị cho là quá nghiêm khắc, cục tính và không thích nâng đỡ nhân viên. Trường hợp Ngọc Trâm của công ty đa quốc gia về hàng tiêu dùng Y cũng rất đặc biệt. Cô được sếp người nước ngoài cho đi tu nghiệp ba tháng tại Mỹ và trở về lên chức phó phòng dù trước đó chỉ là thư ký riêng của ông. Hồng Anh làm nhân viên kế toán của công ty liên doanh Z về hàng mỹ phẩm lại được tăng 30% lương chỉ sau một năm làm việc và tiếp theo là chức "kiểm toán viên" đầy uy quyền.

Các cách để "yêu" sếp

Muốn được sếp "cưng" ta phải tập cách "yêu" sếp. Nhiều người nghĩ đây là một cách giao tiếp tế nhị và khéo léo không phải ai cũng có thể dễ dàng làm được. Thật ra không khó nếu bạn thật sự có lòng thành. Thu Thuỷ không những làm cho sếp thích mà những đồng nghiệp khác cũng có cảm tình.

Cô biết khen mọi người nhưng điều tưởng chừng như nhỏ nhặt như: "Cái áo đẹp quá", "Kiểu tóc này rất hợp với chị". "Hôm nay sếp đổi gọng kính phải không? Trông phong độ hẳn! Hôm sếp đi công tác xa về cô đã nói một cách chân thành: "Vắng anh cả phòng buồn quá!" làm sếp rất xúc động vì trước kia chưa ai nói ra điều này.

Biết sếp hay bỏ ăn trưa do công việc quá bận rộn, cô dự trữ sẵn có loại bánh quy, sữa hộp tiệt trùng trong phòng sếp. Có lần trong buổi tiệc liên hoan, sếp đã thú nhận với mọi người "Thu Thuỷ biết quan tâm đến tôi!" khi cô đã chu đáo đặt mua riêng cho anh nước ngọt không đường "Pepsi light" vì anh bị cao huyết áp. Những điều tưởng chừng như "tiểu tiết" đã làm không khí trong phòng ấm cũng hơn. Sếp trở nên thân thiện và đã biết nói đùa với mọi người.

Ngoài những hành động quan tâm chân thành đó, nhân viên nên biết cách nghe lời sếp mà vẫn giữ được sự độc lập của mình. Ngọc Trâm đã biết làm điều này. Cô tôn trọng những ý kiến chỉ đạo của sếp vì anh có kinh nghiệp hơn, song song đó cô luôn biết giới thiệu với anh những đề nghị mới của mình. Khi bất đồng ý kiến với sếp, cô không phản ứng quá gay gắt mà thường im lặng. Sau đó cô viết email để giải bày tâm tư của mình. Khi thấy cô đặt công việc lên trên, sếp đã nghĩ lại và đánh giá cao tinh thần cầu tiến của cô…

Sếp đáp trả như thế nào?

Sếp luôn biết cách trả công những cô nhân viên dễ thương. Phần thưởng nhẹ nhàng là những lời khen, những lời đông viên như "Em khá lắm! Em là một nhân viên tuyệt vời! Tôi không thể tìm ra nhân viên nào tốt hơn em được!".

Dù có bị vắt kiệt sức thì những lời khen "có cánh" này như những thang thuốc bổ công hiệu. Và đó là phần thưởng tinh thần rất có giá trị vì không phải ai đi làm cũng được sếp xem trọng. Không khí thoải mái giữa sếp và nhân viên sẽ làm mọi người giảm stress, những giờ làm việc trôi qua trong lòng nhẹ nhàng và công việc sẽ có hiệu quả hơn. Ngoài ra nhân viên được phát huy những sáng kiến cá nhân vốn hay bị các sếp không thừa nhận để chứng tỏ mình lúc nào cũng đúng.

Phần thưởng thiết thực sau đó là cơ hội làm việc tốt để phát huy năng lực tối đa. Khi được sếp hỗ trợ, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Thu Thuỷ, Ngọc Trâm đều lập được nhiều công lớn cho công ty nhờ sếp luôn ở bên cạnh. Khi đã có thành tích rồi, sếp tăng lương cũng không bị ai dèm pha. Ngoài ra là những cơ hội thăng tiến, những khoá tu nghiệp ở nước ngoài là điều mà nhân viên nào cũng ao ước.

Làm gì để tránh điều tiếng?

Được sếp cưng cũng có những bất tiện như bị đồng nghiệp ganh tị, dèm pha và đơm đặt những điều không hay. Ngoài ra để cưỡng lại được sức hút kinh khủng của sếp cũng không phải dễ.

Thu Thuỷ lúc đầu bị mọi người cho là "nịnh bợ sếp" với những trò vặt vãnh của cô. Tuy nhiên theo thời gian họ nhận ra cô sống chân thành, biết quan tâm không những chỉ có sếp mà cả với mọi người xung quanh. Dần dần họ cũng chịu nhìn nhận cô đi lên bằng sức làm việc chứ không đơn thuần nhờ dành cho sếp những màn "nói ngọt lọt tới xương" của mình.

Để tránh bị cho là dùng nhan sắc để "õng ẹo" với sếp, Ngọc Trâm thường dẫn người yêu cùng tham gia vào những buổi tiệc chung trong công ty. Cô giữ mình không để sếp tiến xa hơn mối quan hệ công việc. Khi đi công tác xa cô tế nhị ăn mặc kín đáo, không ở trong những nơi có thể bị hiểu lầm.

Nhờ rõ ràng trong chuyện tình cảm nên cô không bị sếp tấn công và bản thân cũng kiềm giữ được sự ngưỡng mộ dành cho sếp có chiều hướng tiến đến tình yêu. Thường những người đàn ông thành đạt không thích phiêu lưu với nữ nhân viên trong công ty. Nếu nhân viên nữ biết cách cư xử khéo để họ không bị "mang tiếng" thì họ không những rất tôn trọng mà còn vô cùng cảm kích.

Thể loai: Economic Story

Unless otherwise stated, the content of this page is licensed under Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License