Kinh tế học

Economics


Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu xã hội quản lý nguồn lực khan hiếm của mình như thế nào


Kinh tế học có nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo phương pháp và cách thức nghiên cứu, dưới đây Economy-OD giới thiệu một số định nghĩa để cho bạn đọc tham khảo

  • Định nghĩa Kinh tế học trong Từ điển kinh tế học (NXB.ĐHKTQD-2006)

Kinh tế học là ngành khoa học nghiên cứu việc sử dụng các nhân tố sản xuất hiện có (có hạn) hiệu quả đến mức cho phép thỏa mãn tối đa nhu cầu vô hạn của xã hội về hàng hóa và dịch vụ. Mục đích trực tiếp của nỗ lực kinh tế và thỏa mãn nhu cầu của con người về hàng hóa và dịch vụ. Vấn đề cần quan tâm là trong khi nhu cầu hầu như vô hạn, thì các nguồn lực hiện có - TNTN, lao động và tư bản - để sản uất ra hàng hóa dịch vụ tại một thời điểm đều bị giới hạn về mặt cung. Nghĩa là, các nguồn lực được dành để sản xuất máy kéo, sẽ có ít nguồn lực hơn để xây dựng bệnh viện và sản xuất ra hàng hóa khác. Vì vậy, chúng ta phải lựa chọn (hay quyết định) nguồn lực được sử dụng để sản xuất bao nhiêu máy kéo và bao nhiêu hàng hóa khác.

  • Định nghĩa Kinh tế học trong Bách khoa toàn thư Việt Nam

Kinh tế học là khoa học nghiên cứu sự vận động của các quan hệ kinh tế của xã hội, chủ yếu là các quan hệ sản xuất trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất, để từ đó rút ra các phạm trù, các nguyên lí, các quy luật kinh tế chi phối sự hoạt động của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, cũng như từng lĩnh vực kinh tế riêng biệt. KTH hiện đại còn được hiểu là một môn khoa học nghiên cứu vấn đề con người lựa chọn và vận dụng những phương thức nào để sử dụng những nguồn tài nguyên có hạn một cách có hiệu quả kinh tế - xã hội nhất, nhằm sản xuất ra các loại hàng hoá, dịch vụ và phân phối cho tiêu dùng hiện tại và lâu dài của các cá nhân và những nhóm người trong xã hội. Trên cơ sở đó, vận dụng vào thực tiễn chỉ đạo và quản lí các hoạt động kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao nhất. KTH được chia ra thành nhiều môn khoa học có đối tượng nghiên cứu khác nhau như KTH chính trị và các KTH cụ thể (KTH công nghiệp, KTH nông nghiệp, KTH lao động, KTH thương nghiệp, KTH vận tải, vv.), trong đó, KTH chính trị là cơ sở cho các KTH cụ thể. Mọi đường lối, chính sách phát triển kinh tế, tổ chức và quản lí nền kinh tế quốc dân đều dựa vào các môn khoa học kinh tế.

Unless otherwise stated, the content of this page is licensed under Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License