Phương pháp Delphi

Delphi method


Đây là phương pháp dự báo bằng trưng cầu ý kiến điển hình do hai nhà khoa học Mỹ là O.Helmer và D.Gordon đề xướng và lấy tên một thành phố cổ Hy Lạp[1]. Phương pháp này có ba đặc điểm chủ yếu sau:

  • Đánh giá tập thể vắng mặt
  • Có tính khuyết danh: Điều này loại trừ hoàn toàn hình thức thảo luận trực tiếp và công khai, loại trừ được yếu tố tâm lý. Cuộc trưng cầu được tiến hành thông qua bản tự khai khuyết danh và có ý kiến thông báo cho các chuyên gia, không nêu rõ của ai.
  • Sử dụng tích cực các mối quan hệ ngược để điều chỉnh các câu trả lời, điều đó được thể hiện ở chỗ cuộc trưng cầu được tiến hành qua nhiều giai đoạn, kết quả trưng cầu ở giai đoạn trước được thông báo cho giai đoạn sau. Dựa vào các thông tin đã được thông báo này mà các chuyên gia đánh giá điều chỉnh câu trả lời của mình. Liên hệ ngược cho phép loại bỏ những thông tin không có ích và giảm độ tản mạn trong các câu trả lời, hạn chế những tác động từ bên ngoài tập thể.

Yêu cầu của phương pháp:

  • Câu hỏi đặt ra phải cho phép trình bày phương án trả lời dưới dạng số lượng
  • Phải cung cấp đầy đủ thông tin cho các chuyên gia dự báo
  • Câu trả lời từng vấn đề phải được chuyên gia đánh giá có luận chứng

Phương pháp Delphi được tiến hành theo bốn giai đoạn thời gian giữa hai giai đoạn khoảng hai tháng, trong mỗi giai đoạn chuyên gia phải nêu ý kiến của mình dưới dang số lượng theo chỉ dẫn sẵn có

  • Giai đoạn 1: Các chuyên gia phải đánh giá dự báo các sự kiện theo danh mục đã được các nhà phân tích chuẩn bị sẵn. Các chuyên gia dự báo cũng có thể bổ sung hoặc gạch bớt các sự kiện trong danh mục đó. Sau khi trưng cầu, các nhà phân tích xử lý đánh giá dự báo bằng trung vị và khoảng tứ phân vị
  • Giai đoạn 2: Các nhà phân tích phải xây dựng lại phiếu câu hỏi nếu cách nêu câu hỏi chưa được rõ ràng làm ảnh hưởng tới sự thống nhất ý kiến đánh giá. Trong phiếu câu hỏi gửi tới các chuyên gia, các nhà phân tích thông báo cho họ giá trị của trung vị và khoảng tứ phân vị đồng thời đề nghị các chuyên gia có ý kiến khác phải có lập luận rõ ràng.

Các chuyên gia phân tích có thể đưa ý kiến khác với ý kiến của đa số tập thể (không nêu của ai) để cho các chuyên gia đánh giá chú ý và điều chỉnh lần cuối các câu hỏi trả lời của mình. Kết quả thu được lại được các nhà phân tích xử lý và tính toán giá trị trung vị và tứ phân vị mới.

  • Giai đoạn 3: Giai đoạn ba này cũng được tiến hành theo như quy trình của giai đoạn hai và các nhà phân tích, xử lý, tính toán đưa ra một thông tin mới hơn cho các chuyên gia dự báo.
  • **Giai đoạn 4**: Các chuyên gia đánh giá lại được thông báo các thông tin từ giai đoạn ba mang lại và tiếp tục đánh giá dự báo trên cơ sở các thông tin cập nhật đó. Những ý kiến khác xa với đa số lại được thuyết minh quan điểm, luận chứng và các ý kiến này lại được tiến hành sửa đổi bổ sung. Trung vị tính toán được ở giai đoạn cuối này được coi là ý kiến của tập thể chuyên gia. Trong trường hợp mà đạt được sự thống nhất ý kiến sớm thì không nhất thiết phải tiến hành lập lại các bước cung cấp thông tin bổ sung như các bước hai và bước ba.

Bên cạnh các ưu điểm thì phương pháp Delphi cũng có những nhược điểm. Thực tế khi áp dụng phương pháp này cho thấy rằng chi phí cho cuộc trưng cầu khá lớn, thời gian kéo dài, có thể làm thay đổi thành phẩn của nhóm chuyên gia. Mặt khác các chuyên gia phải xem lại các ý kiến của mình gây ra phản ứng không thuận lợi trong một số chuyên gia, điều đó có thể ảnh hưởng tới chất lượng và một điều nữa là khó có thể chọn được một nhóm chuyên gia tương đồng về chất lượng.



Chú thích

  • [1] Delphi là một vùng đất đạo (thánh địa) nằm ở sườn núi Parnassus (Hy Lạp), nơi đây có một số nhà tiên tri giỏi. Năm 1969, khi nghiên cứu dự báo nền kinh tế - xã hội Mỹ tới năm 2000, hai tác giả này đã sử dụng phương pháp điều tra hỏi ý kiến về triển vọng nền kinh tế Mỹ và phương pháp này được hai ông đặt tên là phương pháp Delphi


Xem thêm

Unless otherwise stated, the content of this page is licensed under Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 License